Phun Cloramin B phòng chống dịch COVID-19 liệu có làm giảm số ca mắc sốt xuất huyết không?

08:10' SA - Thứ tư, 04/11/2020

Dịch COVID-19 được ghi nhận khởi phát tại thành phố Wuhan, Trung Quốc từ cuối tháng 11 năm 2019, từ đó đến nay dịch bệnh liên tục có diễn biến phức tạp với cường độ ngày càng lớn và có quy mô trên phạm vi toàn cầu. Để phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến công tác điều trị, dự phòng, cách ly và phun khử trùng bề mặt. Trong quyết định hướng dẫn phun khử trùng, bộ Y tế nhấn mạnh các khu vực có liên quan đến bệnh nhân COVID-19, khu vực có người tiếp xúc là F1, F2 và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại cộng đồng sẽ phải tiến hành phun khử trùng. Chính vì vậy các tỉnh đã tiến hành phun khử trùng đồng loạt rất nhiều khu vực như: trong nhà/phòng ở/căn hộ của bệnh nhân COVID-19; Khu vực liền kề xung quanh nhà/phòng ở/căn hộ của bệnh nhân, gồm; Tường bên ngoài của nhà/phòng ở/căn hộ của bệnh nhân và các căn hộ/phòng liền kề; Hàng lang, lối đi chung, cầu thang, thang máy, sảnh chờ... đối với nhà chung cư, tập thể, kí túc xá, khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, cơ sở cách ly tập trung. Tường, sân vườn, vỉa hè, đường đi, lối đi chung… đối với nhà riêng liền kề xung quanh. Ngoài ra phun khử trùng cũng được tiến hành tại khu vực cách ly theo dõi, các cơ quan hành chính công, trường học, chợ và các khu vực cộng đồng khác.

Ngoài phòng chống dịch Covid 19, có thể nói năm 2020, Việt Nam chúng ta có nguy cơ phải đối mặt với dịch bệnh kép đó là dịch bệnh Covid 19 và dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Có một bộ phận nhỏ người dân nghĩ rằng, khi phun hoá chất Cloramine B sẽ có 2 tác dụng, vừa diệt vi rút Sar covi 2 lại vừa diệt được cả muỗi truyền bệnh SXHD. Sau đây chúng tôi xin cung cấp một số thông tin thu thập được để mọi người có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Cloramin B được biết đến là chế phẩm diệt khuẩn dạng bột được sử dụng với mục đích diệt khuẩn bề mặt và xử lý nước, được khuyên dùng bởi Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Trong Cloramin B có chứa ion Clo dương (Clo+) hay còn gọi là Clo hoạt tính có tác dụng diệt vi khuẩn, trực khuẩn lao, vi khuẩn có nha bào và nấm. Dựa trên nguyên lý Clo hoạt tính đó, Cloramin B có thể diệt được vi khuẩn, khử khuẩn trên bề mặt - nơi virus có xu hướng hoạt động mạnh – bao gồm cả virus Corona chủng mới. Trong danh mục hóa chất diệt véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết sử dụng trong chương trình phòng chống sốt xuất huyết giai đoạn 2019-2021 của BYT ban hành theo quyết định số 3424/QĐ-BYT ngày 05 tháng 08 năm 2019 và hướng dẫn toàn diện về phòng ngừa và kiểm soát sốt xuất huyết của WHO ban hành năm 2011 thì cloramin B không nằm trong danh mục được khuyến cáo để phòng ngừa và kiểm soát sốt xuất huyết. Các hoá chất được phép sử dụng trong chương trình phòng chống sốt xuất huyết giai đoạn 2019-2021 thuộc nhóm Deltamethrin, Permethrine, Malathion (Sử dụng hạn chế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế), Pyriproxyfen và Temephos.

Ngoài hoá chất quy định phòng chống 2 bệnh này khác nhau thì kỹ thuật phun của 2 dịch bệnh này cũng khác nhau. Đối với kỹ thuật phun diệt muỗi trưởng thành truyền bệnh SXHD là phun không gian. Nghĩa là các hạt hoá chất sau khi phun ra ở dưới dạng kích thước cực nhỏ, nó bay lơ lửng trong không khí khoảng 1h-2h và khuếch tán đều vào các phòng được phun. Chính vì vậy mà muỗi trưởng thành dù có đậu nghỉ ở mọi ngóc ngách trong nhà thì với cách phun này sẽ diệt được. Đây là phương pháp chính để phòng chống sốt xuất huyết được hầu hết các quốc gia sử dụng ở khu vực Đông Nam Á trong 25 năm. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ diệt được muỗi trưởng thành ở thời điểm phun, để đạt được hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết, bộ y tế khuyến cáo phun không gian cần phải được tiến hành sau khi thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và thực hiện phun từ 2-3 lần mỗi lần cách nhau khoảng 1 tuần. Nếu chỉ phun không gian đơn thuần, hiệu quả phòng chống dịch sẽ rất kém. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng phun không gian đơn thuần này quần thể muỗi sẽ hồi phục lại sau một thời gian ngắn, và do đó bệnh sốt xuất huyết vẫn không được kiểm soát (1), (2), (3). Đối với kỹ thuật phun diệt vi rút Sar Cov 2 là phun tồn lưu. Nghĩa là các hạt hoá chất sau khi phun ra ở dưới dạng kích thước lớn, nó rơi ngay trên bề mặt cần khử trùng như bàn, ghế, tường, sàn nhà…. Khi vi rút tiếp xúc với hoá chất này, vi rút sẽ bị tiêu diệt, với cách phun này hoá chất không bay lơ lửng trong không khí như cách phun không gian.

Khi tìm hiểu sâu về 2 loại dịch bệnh này trong năm 2020, chúng tôi nhận thấy số ca mắc SXH năm 2020 giảm khoảng 65% so với cùng kỳ năm 2019, chính vì vậy cũng có một số người nghĩ rằng có thể liên quan đến hoá chất Cloramin B. Tuy nhiên từ thực tế phòng chống dịch bệnh chúng tôi nhận thấy rằng có 2 lý do chính để giải thích vấn đề trên. Một là, năm 2020 chúng ta đã có một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội, sau đó là cách ly xã hội. Điều này dẫn đến việc đi lại từ địa phương có dịch SXH đến địa phương không có dịch được hạn chế tối đa, việc tiếp xúc giữa con người với con người đã hạn chế đáng kể việc lây truyền vi rút dengue thông qua muỗi tại cộng đồng. Hai là, năm 2019 là năm ghi nhận số ca mắc cao thứ 2 trong lịch sử ghi nhận bệnh SXH tại Việt Nam. Thường thì sau một năm có dịch lớn, sẽ tạo ra được miễn dịch cộng đồng và năm tiếp theo sau đó ca bệnh sẽ ít đi (tính chu kỳ dịch). Chính vì vậy mà ca mắc SXH năm 2020 giảm hơn so với năm 2019.

Với những lập luận như trên, chúng tôi thấy rằng việc phun cloramin B không ảnh hưởng đến việc phát triển và sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết dengue, tuy nhiên việc cách ly xã hội làm giảm khả năng lây lan vi rút dengue tại cộng đồng.


(1): Gubler DJ. Aedes aegypti mosquitoes and Aedes aegypti-borne disease control in the 1990s: top down or bottom up? American Journal of Tropical Medicine and Hygiene. 1989; 40: 571–578.

(2) Newton EAC, Reiter P. A model of the transmission of dengue fever with an evaluation of the impact of ultra-low volume (ULV) insecticide applications on dengue epidemics. Am J Trop Med Hyg. 1992 Dec; 47(b): 709–20.

(3) Reiter P, Gubler DJ. Surveillance and control of urban dengue vectors. In: Gubler DJ, Kuno G, editors. Dengue and dengue haemorrhagic fever. Wallingford, Oxon: CAB International, 1997. p. 425–62.

(Theo Comprehensive Guidelines for Prevention and Control of Dengue and Dengue Haemorrhagic Fever, WHO, 2011, p. 83)



Chuyên gia cố vấn
TS. Bs. Vũ Trọng Dược - Trưởng phòng sốt xuất huyết khu vực Miền Bắc, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương